Thân thế Thạch Kính Đường

Cựu Ngũ Đại sử viết rằng Thạch Kính Đường là hậu duệ của Đại phu Thạch Thước (石碏) của nước Vệ thời Xuân Thu, và Thừa tướng Thạch Phấn (石奮) của triều Hán. Khi triều Hán suy, Quan-Phụ loạn, tử tôn của Thạch Phấn dời về phía tây, định cư tại Cam châu[c 1]. Cũng theo Cựu Ngũ Đại sử, vào giữa niên hiệu Nguyên Hòa (806-820) thời Đường, tổ bốn đời của Thạch Kính Đường là Thạch Cảnh (石璟) theo thủ lĩnh người Sa Đà là Chu Da Chấp Nghị từ Lĩnh Vũ đến quy phụ triều Đường, được giữ chức Âm Sơn phủ bì hiệu dưới quyền Chu Sa Chấp Nghi, do có biên công nên chức quan đến Sóc châu thứ sử, tổ mẫu của ông là Tần thị. Tổ ba đời của Thạch Kính Đường là Thạch Sâm (石郴) mất sớm, tổ mẫu của ông là An thị. Tổ phụ của Thạch Kính Đường là Thạch Dực (石翌), làm đến Chấn Vũ phòng ngự sứ, tổ mẫu của ông là Mễ thị. Phụ thân của Thạch Kính Đường là Thạch Thiệu Ung (石紹雍), tên Sa Đà là Nghiệt Liệt Kê (臬捩雞), giỏi cưỡi ngựa bắn cung, có mưu lược sâu xa, lập được chiến công khi theo Lý Khắc DụngLý Tồn Úc, từng giữ chức thứ sử của Bình châu và Minh châu.[1] Tân Ngũ Đại sử thì viết rằng phụ thân của Thạch Kính Đường là Nghiệt Liệt Kê, có nguồn gốc Tây Di, từ khi Chu Da Chấp Nghi quy Đường thì theo người này đến định cư tại Âm Sơn. Khi Lý Khắc Dụng nổi dậy, Nghiệt Liệt Kê do giỏi cưỡi ngựa bắn cung nên thường theo Lý Khắc Dụng chinh phạt, lập được công lao, chức quan đến Minh châu thứ sử, và rằng không rõ họ Thạch của Thạch Kính Đường có nguồn gốc từ đâu.[4]

Thạch Kính Đường là đệ nhị tử của Nghiệt Liệt Kê, sinh ngày 28 tháng 2 năm Cảnh Phúc thứ 1 (30 tháng 3 năm 892), tức năm Nhâm Tý, tại lý Phần Dương thuộc Thái Nguyên, mẫu thân của ông là Hà thị.[1] (Sau khi xưng đế, Thạch Kính Đường tôn thứ mẫu là Lưu thị làm thái phi, rồi hoàng thái hậu.)[3] Khi còn trẻ tuổi, Thạch Kính Đường có tính trầm đạm, ít nói cười, đọc binh pháp, xem trọng cách hành sự của Lý Mục, Chu Á Phu.[1]